Giới thiệu về Khánh Hòa

1.VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC

Khánh Hòa ở vị trí trung tâm các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Giáp tỉnh Phú Yên về hướng Bắc, tỉnh Đắk Lắk về hướng Tây Bắc, tỉnh Lâm Đồng về hướng Tây Nam, tỉnh Ninh Thuận về hướng Nam, và Biển Đông về hướng Đông.

Nằm giữa hai thành phố lớn là thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Cách thành phố Hồ Chí Minh 448 km về phía Nam và cách thành phố Đà Nẵng 530 km về phía Bắc nên có lợi thế lớn trong giao lưu kinh tế, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và thu hút vốn đầu tư, chất xám, nguồn nhân lực.

Nằm ở vị trí thuận tiện về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Đường sắt và Quốc lộ 1A xuyên suốt chiều dài của tỉnh. Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh có hiệu suất vận chuyển hành khách lớn thứ 4 Việt Nam chỉ sau Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (TP. HCM), Sân bay Quốc tế Nội Bài (Hà Nội) và Sân bay Quốc tế Đà Nẵng (Lượng hành khách thông qua năm 2013 đạt 1,5 triệu lượt). Đường biển của Khánh Hòa – Việt Namgần với tuyến hàng hải quốc tế nên thuận lợi cho phát triển cảng biển, lưu chuyển hàng hóa.

2.KINH TẾ BIỂN VÀ DU LỊCH

* Thủy sản:

Với hơn 385 km bờ biển và 135 km đường bờ ven đảo, 200 hòn đảo lớn nhỏ, 1.658 km2 đất ngập nước, hơn 10.000 km2 thềm lục địa. Vùng biển Khánh Hòa có những loại hải sản có trữ lượng lớn là: tôm hùm, tôm sú, mực, cá thu, cua, ghẹ, ốc, …  Diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 7.500 ha, sản lượng thủy sản khai thác khoảng 85.000 tấn/năm.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Khánh Hòa được xác định là một trong 6 trung tâm nghề cá lớn của cả nước (Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang và Cần Thơ).

Ngoài ra, biển Khánh Hòa còn có tiềm năng trong việc sản xuất muối. Nước biển có nồng độ muối tương đối cao, thuận lợi cho việc sản xuất muối tập trung và các sản phẩm sau muối, nhất là muối công nghiệp.

 * Sản vật quý hiếm

Yến sào (tổ yến) là tên một loại thực phẩm – dược phẩm nổi tiếng, được tạo thành từ nước bọt của chim yến. Đây là món cao lương mỹ vị tại các quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan và nhiều quốc gia khác. Khánh Hòa là nơi chim yến làm tổ nhiều nhất ở Việt Nam sản lượng thu được hơn 2.000 kg/năm (Bình Định và Đà Nẵng là 600-700 kg/năm), đạt tiêu chuẩn ISO:9001, HACCP.

* Du lịch

Khánh Hòa có hệ thống cơ sở lưu trú phát triển đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của khách trong nước và quốc tế với 558 cơ sở năm 2013 (trong đó: 08 khách sạn 5 sao, 06 khách sạn 04 sao, 37 khách sạn 03 sao). Cơ sở kinh doanh du lịch tiếp tục được đầu tư theo chiều sâu và quy mô lớn hơn.

Tính cả giai đoạn 2011-2015, tổng số lượt khách du lịch đến Khánh Hòa đạt gần 15 triệu lượt người, trong đó khách quốc tế là 3,4 triệu lượt người. Doanh thu du lịch khoảng hơn 17.000 tỷ đồng.

 * Ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thuyền

Ngoài du lịch, ngành công nghiệp sửa chữa và đóng mới tàu biển Khánh Hòa liên tục phát triển. Hiện nay, tỉnh có 3 nhà máy đóng tàu biển quy mô lớn, trong đó Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin (HVS) là cơ sở sửa chữa và đóng mới tàu biển đầu tiên của tỉnh và là nhà máy lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, có khả năng đóng mới tàu có trọng tải trên 80.000 tấn. Trong 15 năm qua, nhà máy đã sửa chữa và đóng mới hơn 1.000 tàu biển các loại và hàng năm cho doanh thu khoảng 300 triệu USD.

3.NGUỒN NHÂN LỰC, KHOA HỌC VÀ GIÁO DỤC

Với hệ thống các loại hình đào tạo, dạy nghề, nguồn lao động tại Khánh Hòa được đánh giá dồi dào và có kỹ năng, có thể đáp ứng yêu cầu phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như: 06 trường đại học, 07 trường cao đẳng, 04 viện nghiên cứu quốc gia, 09 trường trung học chuyên nghiệp; 16 trung tâm dạy nghề.

Năm 2013, tỉnh Khánh Hòa có 735.050 người trong độ tuổi lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm 40,3%; Lao động tại các KKT, KCN là 9.671 người, trong đó lao động nước ngoài có 163 người.

3. CƠ SỞ HẠ TẦNG ĐỒNG BỘ

4.HẠ TẦNG GIAO THÔNG

          * Đường bộ

Đảm bảo thông suốt với các tỉnh lân cận, cụ thể: Quốc lộ 1A nối liền các tỉnh phía Bắc và phía Nam, Quốc lộ 26 nối với Đăk Lăk và các tỉnh Tây Nguyên, đường Khánh Lê – Lâm Đồng nối với tỉnh Lâm Đồng; Ngoài ra, dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả nối hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa đang được triển khai xây dựng.

* Đường sắt

Đường sắt Bắc – Nam chạy dọc tỉnh Khánh Hòa, có Ga Nha Trang là một trong những ga lớn đảm bảo trung chuyển hành khách và hàng hóa đi đến các địa phương trong nước.

* Đường hàng không

          Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh cách TP. Nha Trang 35 km về phía Bắc, cách trung tâm Tp. Cam Ranh 10 km về phía Nam, là một trong những sân bay có đường băng lớn và dài nhất tại Việt Nam hiện nay, có khả năng tiếp nhận các loại máy bay hiện đại cỡ lớn,

Các chuyến bay nội địa và quốc tế:

Nội địa

Cam Ranh → Hà Nội, Sài Gòn,  Đà Nẵng (09-12 chuyến/ngày)

Quốc tế

- Bay thẳng: Nga – Cam Ranh (01 chuyến/tuần); Hàn Quốc – Cam Ranh (02 chuyến/tuần).

- Charter: Nga – Cam Ranh (04-05 chuyến/tuần); Ucraina – Cam Ranh (01 chuyến/ngày).

* Đường biển

          Với nhiều vịnh biển kín gió có mực nước sâu, Khánh Hòa lại nằm ở cực đông của Việt Nam nên gần với tuyến hàng hải quốc tế, thuận lợi cho việc phát triển cảng biển và các tuyến giao thông để thông thương hàng hóa đến các cảng biển trên toàn quốc và thế giới.

          Các cảng lớn hoạt động tại Khánh Hòa gồm: Cảng Nha Trang, Cảng Ba Ngòi và Cảng Hòn Khói.

         

STT

Tên cảng

Chức năng

Chiều dài cầu tàu

Chiều rộng cầu tàu

Độ sâu trước bến

Trọng tải tàu

Công suất bốc dỡ

1

Cảng Nha Trang

Cảng du lịch

172 m

20 m

8,5 m

20.000 DWT

1.200.000 tấn/năm

2

Cảng Ba Ngòi

Cảng tổng hợp và container

182 m

15 m

8,5 m – 11 m

10.000 DWT – 30.000 DWT

1.200.000 tấn/năm

230 m

30 m

 

50.000 DWT

3.000.000 tấn/năm

3

Cảng Hòn Khói

Cảng hàng hóa (chuyên xuất khẩu muối)

70 m

10 m

3,2 m

> 1.000 DWT

100.000 tấn/năm

5.KHU KINH TẾ, KHU CÔNG NGHIỆP, CỤM CÔNG NGHIỆP

 Theo quy hoạch, tỉnh Khánh Hòa có 01 Khu kinh tế (KKT), 04 khu công nghiệp (KCN) và 11 cụm công nghiệp (CCN). Hiện nay, đã đi vào hoạt động 01 KKT, 02 KCN và 02 CCN. Đặc biệt KCN Ninh Thủy là KCN duy nhất nằm trong đặc khu kinh tế của tỉnh.

6.DỊCH VỤ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ

Hệ thống cấp điện

Khánh Hòa sử dụng nguồn điện của mạng lưới quốc gia 220 KV, có nguồn điện diezen dự trữ, đáp ứng đủ nhu cầu về điện cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Toàn tỉnh đã phủ điện 100% đến các xã.

Hệ thống cấp nước

Thành phố Nha Trang có Nhà máy nước công suất 70.000 m3/ngày đêm, các huyện, thị xã đều có nhà máy nước đảm bảo cấp nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Thông tin liên lạc

Khánh Hòa sử dụng hệ thống tổng đài điện tử kỹ thuật hiện đại, các huyện đều có tổng đài số, 100% xã được phủ sóng điện thoại cố định, di động và mạng Internet. Toàn tỉnh có 103/105 xã có điểm phục vụ bưu chính - viễn thông, chiếm tỷ lệ 98%.

Ngân hàng, bảo hiểm

Các ngân hàng thương mại, hệ thống thu đổi ngoại tệ, hệ thống rút tiền tự động ngày càng hoàn thiện, đáp ứng kịp thời các nhu cầu của các nhà đầu tư, du khách đến với Khánh Hòa: 

- Có hơn 30 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công thương (Viettinbank), VIB, Đại dương (Ocean bank), Xuất Nhập khẩu (Eximbank), Đông Á, Liên doanh Việt – Nga, Xăng dầu Petrolimex, …

- Hệ thống các cơ quan bảo hiểm: Bảo Việt, Bảo Minh, Prudential, Nhân Thọ, AIA,  AAA …